PDA

View Full Version : Chuyện đời ca sĩ Ái Vân - hồi ức một đóa hồng


anhhaily231
17-02-2014, 08:40 PM
Trời chẳng cho ai hưởng sự toàn vẹn. Cho người ta hạnh phúc bên tay phải thì mang lại bất hạnh bên tay trái.
Tôi sinh ra vào lúc 11 giờ 15 ngày 30/10/1954, sau ngày Giải phóng Thủ đô tròn 20 ngày. Nếu như không phải sinh ra vào những ngày này, có lẽ số phận của tôi cũng đã thay đổi, cả gia đình chắc cũng thay đổi. Do vậy, tôi luôn tin vào định mệnh. Có những sự kiện xảy ra trong cuộc đời tôi sau này, dù đã cưỡng lại, nhưng tôi vẫn đành chấp nhận, coi như đó cũng là những trắc trở của số phận mình. Ông Trời chẳng cho ai được hưởng sự toàn vẹn. Cho người ta hạnh phúc bên tay phải, thì cũng mang lại bất hạnh bên tay trái mà thôi.
Má tôi là nghệ sĩ Ái Liên nổi danh và nức tiếng toàn miền Bắc thời ấy, cả về nhan sắc và tài nghệ. Bà ngoại tôi chỉ có mình má, do vậy, bao nhiêu yêu thương và chăm sóc, bà dành hết cho con gái yêu của mình. Bà ngoại tôi tên Trần Thị Sinh, kết hôn với ông ngoại là Thái Đình Lan. Vì ông ngoại tôi quá mê hát cô đầu, nên cuộc sống gia đình lục đục. Ông bà không tìm được hạnh phúc bên nhau nên đành chia tay. Kết thúc cuộc hôn nhân đầu, bà ngoại tìm được lương duyên mới, đó là ông Lê Văn Thuyết - một nhiếp ảnh gia và cũng là đầu bếp trên tàu Amiral Latouche Tréville...
http://i1.saoonline.vn/data/news/2013/6/12/78/Chuyen-doi-ca-si-Ai-Van---hoi-uc-mot-doa-hong-0-1371021630.jpg
Ai Van (http://saoonline.vn/ca-si/ai-van/)
Nghệ sĩ Ái Liên - giai nhân xứ Bắc một thời.
Má tôi, từ họ tên Thái Thị Ái Liên, khi có cha dượng, đã được bà ngoại tôi đổi sang họ Lê, nên mang tên mới: Lê Thị Ái Liên. Bà ngoại sinh má tôi tại ngõ Nghè, Hải Phòng, nhưng sau khi có gia đình mới, ông bà ngoại đã sang Hong Kong lập nghiệp. Nhờ vậy, má tôi thông thạo tiếng Quảng Đông, tiếng Pháp và tiếng Anh.
Bà ngoại tôi là người nấu ăn giỏi, tất cả các món ăn phương Tây và của người Hoa nên công việc của ông bà tại Hong Kong rất phát đạt. Trở về Việt Nam sau một thời gian sinh sống xứ người, ông Thuyết đột ngột qua đời. Bà ngoại một thân một mình đưa má tôi từ Hải Phòng lên Hà Nội mưu sinh. Năm má tôi 16 tuổi, có cuộc thi người đẹp Bắc kỳ, kiểu như thi hoa hậu hiện nay, má tôi đăng ký tham gia và đoạt giải cao nhất. Từ đó, má lừng danh. Cái tên Ái Liên trở thành niềm đam mê của nhiều chàng trai si tình. Má vừa đẹp, lại hát hay, lại chơi được đàn măng-đô-lin, piano và đàn nguyệt, lại đánh trống nữa, hỏi ai mà không mê. Má tôi thừa hưởng gen nghệ thuật của bà ngoại, của các thành viên bên ngoại như ông cậu Canh Thân, bà dì Lượng và bà dì Lan Phương. Ngày nhỏ, ngay tại ngõ Nghè, Hải Phòng, ban nhạc Đồng Ấu của gia đình đã được ra đời. Và má tôi, dù bé tí xíu nhưng cũng là thành viên rất oách trong ban nhạc này.
Ngày đó, hình ảnh Ái Liên trong bộ áo đuôi tôm trắng, mũ ống trắng, tay cầm can trắng nhảy cracket điệu nghệ trong các bài hát nước ngoài lời Việt đã trở thành biểu tượng âm nhạc những năm 30-40 thế kỷ trước. Má tôi cũng là người đi đầu và khởi xướng các trào lưu thời trang lúc đó bằng các mode áo dài mà má mặc hàng ngày. Báo chí săn đón chụp hình khiến hình ảnh của má tôi mỗi ngày mỗi rực rỡ. Việc quản lý và hướng dẫn má tôi do bà ngoại đảm nhiệm, giống như bầu show hiện nay. Bà đưa ra cho má một lịch sinh hoạt khá chuyên nghiệp: đúng 12 giờ trưa ăn cơm, 17 giờ ăn nhẹ và sau khi đi diễn về mới ăn uống hoành tráng và linh đình.
http://i1.saoonline.vn/data/news/2013/6/12/78/Chuyen-doi-ca-si-Ai-Van---hoi-uc-mot-doa-hong-1-1371021630.jpg
Giang My (http://saoonline.vn/hoa-hau/giang-my/)
Ca sĩ Ái Vân (trái) bên em gái Ái Xuân thời bé.
Vì nổi danh đến thế, nên "cô Ái Liên" đã trở thành niềm mơ ước của các chàng trai cả Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ. Nhiều công tử sáng giá tới gặp bà ngoại tôi để xin cưới má về làm vợ. Trong số các chàng trai hào hoa thời đó, ba tôi, ông Hà Quang Định lại là người ít ưu điểm nhất so với các đối thủ. Thế yếu "to đùng" của ông là đã trải qua một đời vợ và có ba người con. Bà vợ đầu của ông sau khi sinh đứa con thứ ba đã bị hậu sản mà mất sớm. Để bù lại khuyết điểm đó, thì ba tôi là con trai gốc Hà thành, rất lãng tử và đẹp trai. Lúc theo đuổi má tôi, ông đang lập nghiệp tại Sài Gòn với nghề buôn bán xe hơi. Để chiếm được trái tim người đẹp, mỗi tháng, ba tôi đều gửi từ Sài Gòn ra Hà Nội cho má một hộp quà tặng các đồ mỹ ký: dây chuyền, nhẫn, bông tai, và các loại trang sức để lên sân khấu.
Thời ấy, Hà Nội còn lạc hậu, việc đi lại Nam - Bắc không hề dễ dàng, thế nên, những hộp quà tặng trang sức dù không phải đồ thật nhưng độc đáo của chàng trai goá vợ đã tạo được ấn tượng tốt. Trong khi đó, các chàng trai con nhà "trâm anh thế phiệt" tới xin cưới má thì lại mang rất nhiều tiền vàng thật sự. Có một công tử từ Trung kỳ đi cùng mẹ ra Hà Nội để xin cưới Ái Liên đã mang cả tráp vàng bạc đá quý. Khi má tôi nói không chịu lấy, bèn ra Hồ Tây tự vẫn. Nhưng khi công tử nhảy xuống hồ rồi, không thấy có ai để ý tới mà vớt lên, công tử tiếc đời nên... đành bơi lại vào bờ.
http://i1.saoonline.vn/data/news/2013/6/12/78/Chuyen-doi-ca-si-Ai-Van---hoi-uc-mot-doa-hong-2-1371021630.jpg
Xuan Mai (http://saoonline.vn/ca-si/xuan-mai/)
Ca sĩ Ái Vân.
Để chọn rể quý, bà ngoại tôi quyết định mở một cuộc họp gia đình. Nhiều ý kiến được đưa ra. Cuối cùng, bà ngoại đã chọn ba tôi vì "anh Định dù đã có vợ con, nhưng vì không chỉ yêu Ái Liên mà yêu luôn cả nghề ca hát thì sau này sẽ thông cảm và nâng đỡ cho sự nghiệp của vợ".
Có được người đẹp trong mộng, khỏi phải nói ba tôi đã mừng rỡ thế nào. Đám cưới của ba má tôi được tổ chức linh đình tại Sài Gòn. Y phục cưới của ba và má rất đẹp và sang trọng theo phong cách châu Âu. Một vài công tử đã thất bại trong việc xin cưới má tôi bèn đánh tiếng đe doạ và phá đám. Vì thế tại đám cưới, ba tôi đã thuê một dàn vệ sĩ để bảo vệ. Tôi không biết việc doạ nạt này có thật không, hay cũng có khi là một cách để ba tôi... PR cũng chưa biết chừng.
Sau khi cưới nhau, má tôi sinh con liên tiếp. Tôi là con thứ 9 trong gia đình, sau tôi còn hai em nữa, là Ái Xuân và Ái Thanh. Thực ra thì má tôi đã mang thai cả thảy 14 người con nhưng bị sảy thai 3 lần. Sau này, ba má tôi mất thêm một người con gái tài sắc nữa, đó là chị Ái Loan. Chị Ái Loan năm 18 tuổi đã trở thành nghệ sĩ cải lương nức tiếng thời đó. Trong một lần đi biểu diễn tại Hải Dương, chị bị cảm nắng, cô y tá trong đoàn đã chích trực tiếp thuốc peniciline vào ven của chị. Ái Loan bị sốc thuốc và qua đời ngay lập tức. Sự ra đi đột ngột của cô con gái trở thành nỗi đau quá lớn đối với ba má tôi nhiều năm sau đó. Gia đình tôi còn lại 7 anh chị em là con của ba với má Ái Liên và 3 anh chị là con của ba với người vợ đầu.
Sau này nhiều người hỏi vì sao ba má tôi lại sinh con nhiều như thế, ba tôi nói vì má quá đẹp, nên để giữ vợ, ông đành níu chân vợ bằng cách cứ hết sinh xong đứa này, lại mang bầu ngay đứa khác, cho khỏi có anh nào có ý định "léng phéng". Cả đời của NSND Ái Liên, ngoài sân khấu ra, thì chỉ là mang bầu và nuôi con.
http://i1.saoonline.vn/data/news/2013/6/12/78/Chuyen-doi-ca-si-Ai-Van---hoi-uc-mot-doa-hong-3-1371021630.jpg
Pham Quynh Anh (http://saoonline.vn/ca-si/pham-quynh-anh/)
Nghệ sĩ Nhân dân Ái Liên và chồng - ông Hà Quang Định, chủ rạp hát đầu tiên tại Việt Nam - trong ngày cưới.
Căn nhà 36-38 phố Huế của gia đình tôi là nhà hương hỏa của dòng tộc bên nội. Ông bác của ba tôi vì không có con trai nên mới để lại cả ngôi nhà ấy cho cháu trai nối dõi, là ba tôi. Sau đám cưới nổi đình nổi đám tại Sài Gòn, ba tôi quay lại phố Huế, lập ra gánh hát và rạp hát Ái Liên ngay tại ngôi nhà 700 m2 này. Gánh hát chủ yếu diễn tại đây, nhưng cũng có khi đi biểu diễn ở Sài Gòn. Má tôi khi đó có kết hợp với cô đào Kim Chung, là một người gốc Bắc vào Sài Gòn sinh sống, tạo thành gánh hát Kim Chung - Ái Liên. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau, không hiểu lý do gì mà gánh hát tan rã. Sau này cô Kim Chung đã tạo thành 7 gánh hát cực kỳ thành công.
Lại nói về ba tôi, ông một mặt vẫn buôn bán xe hơi, một mặt là bầu sô của gánh hát và điều hành rạp hát Ái Liên. Công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió, tiền bạc và công danh đi liền nhau nên ông bầu Hà Quang Định cũng trở thành một nhân vật nhiều người biết tới. Kinh doanh tại Sài Gòn lâu năm, ba tôi nhận thấy Sài Gòn là vùng đất rất đam mê các môn nghệ thuật giải trí, người Sài Gòn khoáng đạt, vui vẻ, nên muốn đưa cả gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Nhưng có hai sự kiện gần như xảy ra cùng một lúc khiến việc thay đổi này không thực hiện được: Thủ đô được giải phóng và má tôi chuẩn bị nằm cữ sinh ra tôi.
Ba tôi là người đàn ông vô cùng đam mê vợ mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn ngưỡng mộ. Tìm được người đàn ông yêu và say vợ như ba Định, thời loạn lạc hay bình yên cũng không dễ thấy. Giai đoạn chiến tranh, di tản liên tục, đồ đạc cũng thất lạc thường xuyên, vậy mà tất cả xoong nồi, công tắc điện, xô chậu, thậm chí đến cả bức tường của nhà vệ sinh công cộng, ông cũng khắc lên đó tên viết tắt của má tôi: "A.L".
http://i1.saoonline.vn/data/news/2013/6/12/78/Chuyen-doi-ca-si-Ai-Van---hoi-uc-mot-doa-hong-4-1371021631.jpg
Ho Trung Dung (http://saoonline.vn/ca-si/ho-trung-dung/)
Bài báo tư liệu về Nghệ sĩ Nhân dân Ái Liên.
Tháng 8/2011, khi quay trở về Việt Nam, tôi có tới thăm căn nhà phố Huế của mình, vẫn nhìn thấy cái công tắc có chữ "A.L" được khắc trên đó mà không khỏi phì cười.
Ngôi nhà phố Huế của tôi giờ không còn là của gia đình tôi nữa. Sau Giải phóng Thủ đô, ba đã hiến căn nhà cho nhà nước, chỉ giữ lại 2 phòng nhỏ phía dưới và căn gác nhỏ phía sau để gia đình sinh sống. Đơn vị tiếp quản là Bộ Văn hóa. Trong thâm tâm, sinh thời, ba tôi nói, vì muốn vợ và các con vẫn được biểu diễn ngay trong rạp hát của gia đình nên mới hiến nhà. Nhưng cuộc đời đâu ai hay biết trước, thế gian vật đổi sao dời. Đầu tiên, rạp hát Ái Liên được sử dụng làm sân khấu múa rối. Người ta đã nâng lớp sàn gỗ lên để phù hợp cho phần biểu diễn của bộ môn nghệ thuật này. Sau thời gian nữa, rạp hát bị biến thành bếp ăn tập thể của Bộ Văn hóa. Thời thơ ấu, tôi vẫn được xem nghệ thuật múa rối hàng ngày, những khi đoàn không có lịch diễn, tôi và các anh chị em chui xuống gầm sân khấu để chơi trốn tìm. Mọi thứ đã theo sự khắc nghiệt xoay vần con tạo, khiến cho khát vọng và bao nhiêu công sức, tiền của của ông bầu sô thành đạt Hà Quang Định đã bể như bong bóng xà bông theo những biến động thời cuộc.
Như tôi đã nói, ba tôi rất yêu vợ và yêu luôn cả nghề nghiệp của vợ. Con cái trong nhà, ai đi theo nghiệp diễn của má, đều được ba cưng như trứng mỏng. Tôi và Ái Xuân được ba rất chiều chuộng là vậy. Khi chúng tôi ngủ trưa, ba không cho ai tới gần hay đánh thức dậy. Chị em tôi cũng chẳng đụng tay đụng chân vào bất cứ việc gì trong nhà. Vì thế, tôi và Ái Xuân hơi đoảng, chẳng làm việc gì nên suốt ngày tập hát. Chiếc giường phản nằm giữa hai căn phòng nhỏ là nơi chứng kiến việc hai chị em tôi tập tuồng hàng ngày.
Đối với tôi, căn nhà 36-38 phố Huế không chỉ là gia đình, là tuổi thơ, mà còn là cái nôi đầu tiên để tôi bước vào con đường nghệ thuật…